BỔ SUNG VITAMIN MÙA NẮNG NÓNG
Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, rối loạn về sức khỏe. Nếu không chăm sóc sức khỏe đúng cách, sức khỏe giảm sút có thể ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của mỗi người. Để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng, ta nên lưu ý bổ sung những thực phẩm nhiều vitamin và khoáng chất.
Khi không khí vượt quá 320C thì cơ thể bắt đầu cảm thấy nóng. Nắng nóng làm sự trao đổi chất của con người bị đẩy nhanh hơn, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ. Các bệnh mùa nắng dễ xảy ra như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy, đột quỵ do nhiệt độ tăng quá cao. Do đó, không phải ngẫu nhiên mùa hè là mùa bùng phát của nhiều loại dịch bệnh.
Ăn nhiều trái cây: Việc bổ sung những loại trái cây giải nhiệt vào mùa hè nóng bức, giúp cơ thể thanh nhiệt là điều rất cần thiết. Chúng ta nên ăn các loại trái cây như dưa hấu, cam, đào, dứa… sẽ giúp cơ thể giảm nóng. Các loại hoa quả này cũng giàu vitamin C, giúp cơ thể giữ nước. Hãy dùng ít nhất một khẩu phần trái cây trong ngày hoặc một ly nước ép trái cây sẽ rất tốt cho cơ thể trong mùa hè oi bức này.
Uống đủ nước: Thời tiết nóng vào mùa hè khiến cơ thể có xu hướng đổ mồ hôi và có nhu cầu đòi hỏi nước phải được bổ sung kịp thời, đầy đủ. Hãy mang theo một chai nước bên người khi đến bất kỳ nơi nào, đó là cách đơn giản nhất giúp cơ thể đủ nước cả ngày. Trong khẩu phần ăn mùa nắng nóng, nên bổ sung thường xuyên những loại thực phẩm có tính mát như: Rau dền, rau ngót, rau muống,… Tính mát trong các loại rau này sẽ giúp giải nhiệt cơ thể, dễ tiêu hóa.
Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe như: thịt, trứng, sữa, tôm, cá, cua, sò, hàu, hến, đậu đỗ… Những loại thực phẩm này sẽ cung cấp chất đạm, protein và nhiều vi chất quan trọng như kẽm, sắt, canxi…
Ngoài ra, cũng cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: trái cây, sữa chua, bông cải xanh, rau chân vịt, cà chua,… vào các bữa ăn để kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể từ đó giúp tăng cường sức đề kháng khi thời tiết khắc nghiệt. Nên bổ sung cho các loại nước ép rau củ, trái cây tươi, nước dừa, sữa… để cung cấp đủ vitamin khoáng chất, giúp giải nhiệt hiệu quả trong những ngày nắng nóng. Ngoài ra, cũng nấu các món canh bổ dưỡng như: canh cua đồng, canh bầu nấu tôm, canh ngao nấu dứa, canh rau củ hầm xương – thịt nạc,… Những món canh này vừa giúp giải nhiệt mùa nắng nóng lại cung cấp đủ lượng nước, chất dinh dưỡng cho cơ thể. Canh sẽ giúp ăn, uống dễ dàng hơn các món ăn khô khác.
Để cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần chú ý những yếu tố về thời tiết để cơ thể luôn khỏe mạnh. Thời tiết oi nóng, dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm. Với thời tiết nắng nóng, cần bảo quản kỹ đồ ăn, để hạn chế trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột. Ta hãy chế biến đồ ăn trong ngày, khi chế biến xong nên ăn trong 30 phút, không nên để thức ăn bên ngoài quá 2 tiếng để tránh vi khuẩn xâm nhập gây ôi thiu thức ăn.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng gay gắt không những làm ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Nếu không chăm sóc sức khỏe đúng cách, sức khỏe giảm sút có thể ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của mỗi người. Cơ thể không tự tổng hợp vitamin mà phải bổ sung từ bên ngoài qua các nguồn thực phẩm, rau củ, trái cây, các sản phẩm dinh dưỡng có chứa vitamin, thuốc… Do đó, việc bổ sung vitamin vào mùa hè rất cần thiết để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại các loại bệnh tật.