Tổ chức tập huấn cập nhật hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng cho nhân viên y tế
Trước tình hình dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, đặc biệt chỉ trong những ngày đầu tháng 7/2023 toàn thành phố đã ghi nhận 50/ tổng số 59 ca nhiễm tính từ đầu năm đến nay, đồng thời ghi nhận 6 ổ dịch đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến các trường mầm non trên địa bàn thành phố.
Sáng ngày 14/7/2023, Trung tâm y tế thành phố Tuy Hòa tổ chức tập huấn cập nhật hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Dự lớp tập huấn có BS CKI Lê Huỳnh Linh, Giám đốc TTYT; BS CKI Phan Dinh, Phó giám đốc TTYT cùng với lãnh đạo các khoa, phòng, trạm y tế, cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch tại các đơn vị. Tổng số có hơn 50 người tham dự.
Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch. Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi mắc bệnh cần đi khám cơ sở y tế để biết tình trạng bệnh để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị, đa số mắc bệnh tay chân miệng là điều trị tại nhà, hạ sốt, bù đủ nước cho cơ thể, chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, theo hướng dẫn của Bác sĩ, đối với trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Biểu hiện của bệnh: sốt, ho, hắc hơi, chảy nước mũi, nôn ói và đi ngoài phân lỏng, vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi hoặc ở lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối,…khi có dấu hiệu chuyển nặng trẻ quấy khóc liên tục kéo dài, sốt cao liên tục không hạ, hay giật mình… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Phòng bệnh tay chân miệng cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn hoặc khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ; ăn uống sạch ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ở sạch thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà,…
Sau lớp tập huấn, Trung tâm y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các khoa điều trị, khối dự phòng và Trạm y tế xã, phường tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, thực hiện công tác chăm sóc điều trị cho trẻ bị bệnh tay chân miệng trên địa bàn, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc, xử lý ổ dịch nhỏ đúng qui định và tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng./.