Phòng chống ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn, là hiện tượng người bị trúng độc do ăn phải những thức ăn không đảm bảo vệ sinh, nhiễm khuẩn hoặc chứa chất độc hại. Ngày nay thức ăn đường phố bán ngoài đường, vỉa hè thường không đảm bảo vệ sinh do không được bảo quản, chế biến cẩn thận. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh trưởng và phát triển gây bệnh. Do đó để tránh ngộ độc thực phẩm chúng ta cần tránh ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên vỉa hè, lòng đường. Nhất là vào mỗi dịp lễ hội, có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Nguyên nhân có thể do nhu cầu mua bán tăng nhanh, thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào mâm cơm, bàn tiệc của mỗi gia đình. Hoặc là thực phẩm để lâu bị hỏng, bảo quản không đúng cách.
Cách phòng chống ngộ độc thực phẩm tốt nhất là tuân thủ một số nguyên tắc sau:
1. Vệ sinh tay sạch sẽ: Bạn cần rửa tay và vệ sinh nơi sơ chế và chế biến thường xuyên. Đó là những nơi mà vi khuẩn thường tồn tại và tay bạn sẽ tiếp xúc thường xuyên với chúng. Những vi trùng có hại cũng có mặt nhiều nơi trong nhà như nhà bếp, các đồ gia dụng, dao, thớt, khăn lau chùi,…
2. Cần tách riêng các loại thịt đỏ, gia cầm, hải sản và bảo quản riêng biệt trong tủ lạnh sau khi mua về. Dự trữ thực phẩm đúng cách sẽ làm giảm tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn cho nhau. Đối với thịt sống, luôn phải đựng trong hộp kín và giữ ở ngăn cuối cùng trong tủ lạnh để đảm bảo không dính vào những thực phẩm khác, đặc biệt là những thức ăn sử dụng không cần qua chế biến như trái cây, rau làm salad.
3. Khi nấu ăn, nên chú ý điều chỉnh mức nhiệt độ thích hợp, vừa đủ tiêu diệt vi khuẩn có hại. Hãy đảm bảo rằng thịt đã chín kỹ, không còn màu hơi hồng ở bên trong thớ thịt. Sử dụng thớt khác nhau cho các loại thực phẩm, nên dùng thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Chẳng hạn một thớt dùng riêng cho rau, củ, trái cây và một thớt chỉ dành cho thịt, cá, hải sản tươi sống. Việc này giúp tránh lây nhiễm vi khuẩn sang các đồ ăn sắp được sử dụng ngay.
4. Nên giữ nhiệt độ trong tủ lạnh dưới 4ºC để hạn chế mầm bệnh sinh sôi. Ngoài ra, nếu muốn cho đồ ăn sau khi nấu vào tủ lạnh, hãy để nguội sau khoảng 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài khoảng 32ºC).
5. Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, không nên ăn thực phẩm đã hết hạn sử dụng ngay cả khi trông nó còn ngon và chưa có mùi lạ. Các nhà sản xuất đã nghiên cứu, thử nghiệm để có thể đảm bảo an toàn cho bạn trong thời gian sử dụng. Sau khoảng thời gian đó, vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng trong thực phẩm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu ăn phải.
6. Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra rất nhanh và gây bệnh khi bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng cách. Chính vì vậy, thực hành đúng nguyên tắc ăn chín, uống sôi cùng các hướng dẫn trên đây sẽ giúp chúng ta phòng chống nguy cơ này, nhất là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao hơn.