Lợi ích của Hồ sơ sức khỏe điện tử
Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa dữ liệu sức khỏe của một cá nhân được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. Các dữ liệu sức khỏe được thu thập từ tất cả các bác sĩ tham gia chăm sóc bệnh nhận tại nhiều cơ sở y tế khác nhau
Ngày 12/11/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5349/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đến năm 2025. Theo đó, với 04 lợi ích lớn dưới đây, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là cần thiết:
(1) Đối với người dân:
- Giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình; từ đó chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe.
- Khi đi khám, có thể cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chữa trị của bác sĩ.
(2) Đối với thầy thuốc:
- Cung cấp đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, kết hợp với thăm khám hiện tại. Từ đó, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, giảm bớt chi phí của mỗi người dân.
- Giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến
- Giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
(3) Đối với công tác quản lý:
- Giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.
- Ngành y tế sẽ có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
(4) Đối với bảo hiểm y tế:
Thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch giúp cho việc quản lý chi phí dễ dàng hơn, hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có).