CÁCH BẢO QUẢN THỰC PHẨM TRÁNH LÂY NHIỄM CHÉO
Với khí hậu nóng ẩm ở nước ta là điều kiện thuận lợi để các loại nấm mốc vi khuẩn có hại phát triển. Việc bảo quản thực phẩm làm sao để tươi ngon, an toàn cho sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu cho các gia đình. Bảo quản thực phẩm đúng cách không chỉ làm giảm lãng phí đồ ăn do hỏng hóc hoặc bị ô nhiễm mà còn giúp duy trì giá trị kinh tế của thực phẩm. Bảo quản thực phẩm an toàn giúp ngăn chặn sự ô nhiễm từ vi khuẩn, hóa chất, môi trường xung quanh và các tác nhân gây hại khác. Giảm hiện tượng lây nhiễm chéo từ thực phẩm đã hỏng hoặc ôi thiu.
Bảo quản thực phẩm giúp thực phẩm giữ được độ tươi ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng. Nếu bảo quản không đúng cách thực phẩm bị lên men, hư thối, nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng khi ăn vào có thể gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính, hoặc dẫn đến tình trạng suy các cơ quan, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài. Không dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống, tốt nhất ăn lúc nào mua lúc ấy như vậy sẽ giữ được các hàm lượng dinh dưỡng tối đa nhất và tốt nhất.
Nguyên tắc sử dụng thực phẩm: Thực phẩm mua trước sử dụng trước. Thực phẩm tươi sống nhiều nước như tôm, cá nên ăn trước. Rửa trước: nên rửa sạch thịt, cá, hải sản trước khi bảo quản. Có thể ướp gia vị nếu cần. Bao bọc, đóng hộp kín: Nên chia ra từng khẩu phần nhỏ và bao bọc lại bằng các túi nylon hoặc cho vào các hộp bảo quản để tránh nhiễm khuẩn, gây mùi cho các thực phẩm khác.
Một số lưu ý khi bảo quản thịt cá, rau củ trong tủ lạnh:
Hoa quả bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra khiến các loại quả khác nhanh chín hơn. Dưa hấu nếu để cả quả thì nên ở môi trường bên ngoài, nếu đã cắt ra thì phải bọc cẩn thận rồi mới cất vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm các mùi thực phẩm khác. Chuối không nên bảo quản tủ lạnh vì dễ thâm, nhũn, mất giá trị dinh dưỡng. Nếu để trong tủ lạnh phải bọc cuống lại để chuối được tươi lâu hơn.
Đối với rau củ: Lặt bỏ các phần rau bị hỏng trước khi bảo quản. Không nên rửa nước trước khi bảo quản rau củ, vì khi đó rau sẽ nhanh chóng bị úng và hư ngay (tương tự như bảo quản trái cây). Bao bọc rau củ bằng các túi nylon thoáng khí (túi nylon đục lỗ) hoặc các loại giấy bảo quản thực phẩm là tốt nhất. Sắp xếp các loại rau cần dùng trước ra ngoài để dễ nhớ và sử dụng
Bảo quản ở ngăn đông: Đảm bảo nhiệt độ ở ngăn đông dưới -15oC. Các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần nhỏ đủ lượng ăn trong ngày, có thể bảo quản ngăn đông 01 tháng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Khi sử dụng, rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ sau đó mang ra ngoài thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Với những thực phẩm đã nấu chín nhưng chưa sử dụng hết trong ngày như thịt kho, cá kho, canh khổ qua có thể cho vào hộp đậy kín sau khi đã để nguội và đặt vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Cách bảo quản thực phẩm này sẽ giúp cho đồ ăn không bị khô và không bị lẫn mùi hoặc lây nhiễm vi sinh gây hư hại sang thực phẩm khác.
Việc đặt quá nhiều đồ vào bên trong tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến các luồng khí lạnh luân chuyển, khiến cho thực phẩm được làm lạnh không đồng đều. Đây cũng là nguyên nhân làm cho thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất do không đủ độ lạnh.
Mỗi gia đình cần có ý thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách không tích trữ thực phẩm quá nhiều, chỉ dùng những thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, có bất kỳ nghi ngờ gì về thực phẩm không an toàn thì không sử dụng.